Saturday, 27/04/2024 - 17:17|
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO VĂN GIANG, HƯNG YÊN. EMAIL: PGDVANGIANG.HUNGYEN@MOET.EDU.VN. ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN 0914895488
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỊCH SỬ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VĂN GIANG

 

Văn Giang là huyện nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hưng Yên (trước năm 1947, huyện Văn Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh)'. Phía bắc, Văn Giang giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội); phía đông, giáp huyện Văn Lâm, Yên Mỹ; phía nam, giáp huyện Khoái Châu; phía tây Văn Giang là sông Hồng, bờ bên kia sông thuộc địa phận huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín (Hà Nội).

 

Với lợi thế địa chính trị của một vùng đất tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, được thừa hưởng tinh hoa của nền văn minh sông Hồng, nhân dân Văn Giang với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo đã tham gia tích cực vào quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Thời nào, Văn Giang cũng có những đóng góp quan trọng cho đất nước, cho tỉnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo lịch sử biến thiên, huyện Văn Giang đã có rất nhiều thay đổi về địa giới hành chính, tên gọi của huyện và các xã, thôn thuộc huyện.

1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

Theo sử sách ghi chép lại và kết quả của các công trình nghiên cứu, kết quả khảo cổ học có thể khẳng định, cách đây mấy nghìn năm, vào thời đại đồng thau, đã có những cư dân sinh sống trên đất Văn Giang, vùng đất được phù sa sông Hồng bồi đắp. Bước vào thời kỳ của xã hội Văn Lang, Âu Lạc, cư dân ở đây đã trở nên đông đúc hơn, làng xóm được hình thành và ngày càng trở nên trù phú.

Từ thời Trần trở về trước, Văn Giang có tên là Tế Giang, gắn với tên con sông Tế Giang, con sông nối sông Hồng với sông Thương, sông Cầu, là đường vận tải thủy chở các sản vật từ miền xuôi lên vùng núi Bắc Giang, Thái Nguyên và ngược lại.

Thời thuộc Minh, huyện Tế Giang thuộc châu Gia Lâm, phủ Bắc Giang. Qua nhiều lần thay đổi địa giới, thay đổi tên gọi của Bắc Ninh, Kinh Bắc, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đời Lê Thánh Tông, huyện Tế Giang đổi tên là huyện Văn Giang, thuộc phủ Thuận An (thừa tuyên Kinh Bắc). Đây là lần đầu tiên, tên huyện Văn Giang xuất hiện trong sử sách, văn bản hành chính nhà nước.

Lúc đầu, huyện Tế Giang có 52 xã; thời Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông, huyện Văn Giang có 51 xã; đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), huyện Văn Giang có 9 tổng, 61 xã thôn, gồm:

1. Tổng Hòa Bình (8 xã): Hòa Bình, Ngân Hạnh, Lại Trạch, Vĩnh Lộc, Chấn Đông, Đại Hạnh, Ốc Nhiều, Từ Hồ.

2. Tổng Đại Từ (6 xã): Đại Từ, Cát Lô, Đông Mai, Trình Xá, Lộng Đình, Nghĩa Lộ.

3. Tổng Đồng Than (6 xã): Đồng Than, Tráng Vũ, Kênh Cầu, Lạc Cầu, Thanh Nga, Hoàng Đối.

4. Tổng Phụng Công (10 xã, sở): Phụng Công, Đan Nhiễm, Công Luận, Dương Liệt, Phi Liệt, Sầm Khổ, Tầm Tang, Phù Liệt, Quán Trạch, Đan Nhiễm sở.

5. Tổng Thái Lạc (9 xã): Thái Lạc, An Lạc, Lạc Miếu, Ôn Xá, Thù Dương, Thanh Đặng, Hoàng Nha, Hương Lãng, Thanh Khê.

6. Tổng Đa Ngưu (9 xã): Đa Ngưu, Nhân Nội, Kim Ngưu, Bá Khê, Như Phượng, Như Lân, Ngọc Bộ, Lại Ốc, Nhân Vực.

7. Tổng Đại Quan Châu (Đại Quan) (4 xã): Chử Xá Châu, Đại Quan Châu, Trung Quan Châu, Sơn Hô Châu.

8. Tổng Hoa Cầu (Xuân Cầu) (6 xã, thôn): Hoa Cầu, Khúc Lộng, Đồng Tỉnh, Vĩnh Bảo, Bảo Vực và thôn Đông Khúc thuộc xã Khúc Lộng.

9. Tổng An Phú (3 xã): An Phú, Thổ Cốc, Hiến Phạm.

Như vậy, huyện Văn Giang ngày ấy rất rộng, phía bắc có xã Chử Xá (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), phía nam có xã Từ Hồ, Hiển Phạm (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), huyện Văn Giang thuộc phủ Thuận Thành (năm 1862 đổi là phân phủ Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh.

Đến những năm dưới thời Pháp thuộc, huyện Văn Giang chỉ còn 4 tổng, 28 xã là:

1. Phụng Công (6 xã): Phụng Công, Phi Liệt, Phù Liệt, Dương Liệt, Sầm Khố, Tầm Tang.

2. Tổng Đại Quan (4 xã): Xuân Quan, Trung Quan, Sơn Hô (San Hô), Chử Xá.

3. Tổng Đa Ngưu (10 xã); Cửu Cao, Như Lân, Ngọc Bộ, Như Phượng, Lại Ốc, Sở Đông, Kim Ngưu, Bá Khê, Đa Ngưu, Nhân Vực.

4. Tổng Xuân Cầu (8 xã): Xuân Cầu, Đồng Tỉnh, Vĩnh An, Vĩnh Bảo, Đông Khúc, Khúc Lộng, Thọ Vực, Đại Tài.

2. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, huyện Văn Giang tiếp tục có sự thay đổi về địa giới và tên gọi đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Về địa giới thuộc tỉnh

Ngày 6-6-1947, theo Nghị định số 79 NV-QP/NgĐ Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng, huyện Văn Giang từ tỉnh Bắc Ninh chuyển về thuộc tỉnh Hưng Yên. Đây là lần đầu tiên, huyện Văn Giang là đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hưng Yên.

Tháng 1 năm 1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Vĩnh Phú và việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành một tỉnh lấy tên là Hải Hưng, huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hải Hưng.

Ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc chia tỉnh Hải Hưng thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Ngày 1-1-1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên.

Về địa giới và tên gọi của huyện

Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP về việc hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng, trong đó huyện Văn Giang và huyện Yên Mỹ thành huyện Văn Yên.

Ngày 24-2-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng, trong đó 14 xã của huyện Văn Yên (bao gồm 9 xã của huyện Văn Giang cũ và 5 xã của huyện Yên Mỹ cũ) với huyện Khoái Châu thành huyện Châu Giang.

Như vậy, từ tháng 3 năm 1977 đến tháng 7 năm 1999, huyện Văn Giang không còn tên Văn Giang mà lần lượt là một bộ phận của huyện Văn Yên, Châu Giang.

Ngày 24-7-1999, Chính phủ ra Nghị định số 60/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Mỹ Văn và Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, để tái lập các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Khoái Châu.

Ngày 1-9-1999, huyện Văn Giang được tái lập gồm 9 xã của Châu Giang cũ và 2 xã của huyện Mỹ Văn cũ. Toàn huyện có diện tích tự nhiên là 7.316,8ha, dân số 91.780 người, gồm 10 xã, 1 thị trấn: Xuân Quan, Phụng Công, Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở, Cửu Cao, Long Hưng, Tân Tiến, thị trấn Văn Giang (thuộc huyện Châu Giang cũ chuyển về) và 2 xã Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (thuộc huyện Mỹ Văn cũ chuyển về).

Về địa giới và tên gọi của xã

Cùng với việc chuyển huyện Văn Giang từ tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Hưng Yên, cũng trong năm 1947, các xã thuộc huyện Văn Giang có một số thay đổi: xã Quyết Thắng và xã Phó Đức Chính hợp nhất thành xã Tân Tiến; xã Phụng Công, xã Đan Nhiễm và xã Công Luận sáp nhập thành xã Lê Tôn Hy; xã Trung Chử Sơn đổi tên thành xã Văn Đức.

Năm 1955, tách tổng Mễ Sở của huyện Khoái Châu gồm 8 thôn thành 2 xã là Mễ Sở và Bình Minh. Xã Bình Minh vẫn thuộc huyện Khoái Châu, xã Mễ Sở chuyển về huyện Văn Giang.

Năm 1956, chia xã Lê Tôn Hy thành xã Phụng Công và xã Văn Phúc. Năm 1961, chuyển xã Văn Đức, huyện Văn Giang về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Năm 1999, thành lập thị trấn Văn Giang, huyện Châu Giang, trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số xã Văn Phúc. Thị trấn Văn Giang có diện tích tự nhiên 677,91ha, dân số 8.590 nhân khẩu (theo Nghị định số 35/1999/ NĐ-CP ngày 14-5-1999 của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Văn Giang thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên).

 

Như vậy, sau hơn 20 năm tái lập huyện, hiện nay, huyện Văn Giang có diện tích tự nhiên là 71,79 km2. Toàn huyện có 11 xã, thị trấn với 79 thôn như sau:

1. Thị trấn Văn Giang, gồm 3 thôn: Đan Nhiễm, Công Luận 1, Công Luận 2; phố Văn Giang (phố huyện Văn Giang cũ).

2. Xã Cửu Cao, gồm 4 thôn: Hạ, Thượng, Vàng, Nguyễn.

3. Xã Liên Nghĩa, gồm 6 thôn: Phi Liệt, Đan Kim, Quán Trạch AB, Quán Trạch CD, Vĩnh Tuy và Bá Khê.

4. Xã Long Hưng, gồm 7 thôn: Như Lân, Như Phượng Thượng, Như Phượng Hạ, Lại Ốc, Ngọc Bộ, Sở Đông, Nhân Vực.

5. Xã Mễ Sở, gồm 6 thôn: Mễ Sở, Phú Thị, Phú Trạch, Nhạn Tháp, Hoàng Trạch, Đồng Quê.

6. Xã Nghĩa Trụ, gồm 9 thôn, xóm: Đồng Tỉnh, Phúc Thọ, Đại Tài, Tam Kỳ, Lê Cao, xóm 11, xóm 12, xóm 13, xóm 14.

7. Xã Phụng Công, gồm 6 thôn: Tháp, Khúc, Đại, Đầu, Ngò, Bến.

8. Xã Tân Tiến, gồm 12 thôn, ấp: Hòa Bình Thượng, Hòa Bình Hạ, Vĩnh Lộc, Phượng Trì, Nhân Nội, Đa Ngưu, Kim Ngưu, Đa Phúc, Bá Khê, ấp Kim Ngưu, ấp Đa Phúc, ấp Bá Khê.

9. Xã Thắng Lợi, gồm 9 thôn: Phù Bãi, Phù Thượng, Phù Đình, Dương Thượng, Dương Hạ, Tân Lợi, Tầm Tang, Xâm Hồng, Xâm Trong.

10. Xã Xuân Quan, gồm 12 thôn: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12.

11. Xã Vĩnh Khúc, gồm 4 thôn: Đông Khúc, Khúc Lộng, Vĩnh Bảo, Vĩnh An.

Sự hình thành và quá trình thay đổi tên gọi hành chính qua các thời kỳ như trên cho thấy Văn Giang là một miền đất cổ đã trải qua nhiều triều đại, nhiều thời kỳ lịch sử. Nói đến Văn Giang là nói đến một vùng phù sa văn hóa được bồi đắp bởi biến thiên lịch sử trên một vùng đất rộng lớn, liên đến những vùng đất văn hiến, như: Thăng Long - Hà Nội, Bắc Ninh - Kinh Bắc và Phố Hiến - Hưng Yên.

(Theo Văn Giang vùng phù sa văn hóa – Chỉ đạo biên soạn: Ban TV Huyện ủy Văn Giang- Tác giả Phạm Minh Hoàng, Hoàng Thị Thanh Mai- NXB Văn hóa dân tộc năm 2020)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết