Wednesday, 22/01/2025 - 14:58|
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO VĂN GIANG, HƯNG YÊN. EMAIL: PGDVANGIANG.HUNGYEN@MOET.EDU.VN. ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN 0914895488
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÁNH DÀY GẦU- CỬU CAO

                           Bánh giầy làng Gàu xã Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên là sản vật đất Phố Hiến tưởng nhớ và biết ơn vị vua dựng nước của dân tộc.

Không biết nghề truyền thống làm bánh giầy của bà con làng Gàu có từ khi nào, chỉ biết rằng đã từ lâu lắm cứ đến dịp giỗ tổ người làng lại tưng bừng, rộn rã trong việc giã bột, xay và nặn bánh. 
Chiếc bánh giầy truyền thống làng Gàu phải được làm bằng nguyên liệu trên chính mảnh đất phố Hiến: gạo nếp cái hoa vàng phải là sản phẩm của người dân làng Gàu gieo trồng trên đồng ruộng làng Gàu, nếp ngâm nước giếng làng Gàu được chính tay khéo léo của các cô gái làng Gàu giã, nặn mới thành miếng bánh đẹp đẽ, thơm ngon.
Bánh giầy là món ăn truyền thống của người dân Việt ta. Ngoài làng Gàu, miền Bắc còn nổi danh với bánh giầy Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Nhưng mỗi nơi một vẻ, một hương vị cũng giống như tấm lòng của người dân mỗi nơi dâng lên vua Tổ.
Có lẽ điều đơn giản ấy đã trở thành nét đặc trưng, hấp dẫn riêng cho miếng bánh làng Gàu. Món quà quê nay đã trở thành một trong những đặc sản của đất Hưng Yên, vị ngon danh tiếng sánh với tương Bần hay rượu Trương Xá - những đặc sản nổi tiếng đất phố Hiến.
Để tạo ra những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa, dẻo ngon, người dân làng Gàu rất cầu kỳ, khéo léo trong tất cả công đoạn từ đồ xôi, giã đến nặn bánh, tra nhân. Nước giếng làng Gàu vốn có tiếng sạch, trong và ngọt. Xưa nước giếng ấy được cô thôn nữ gánh về ngâm với gạo nếp làng Gàu, nước giếng cũng được dùng để đồ xôi nặn bánh. Nay làng Gàu dần thay thế bằng những bể nước mưa trong vắt được hứng đậy cẩn thận. Do thế mà hương vị truyền thống món bánh không có gì thay đổi, vẫn giản dị, thơm ngon đặc biệt.
Chiếc bánh giầy vừa mới ra lò có màu trắng tinh còn phảng phất mùi vị thơm nồng của gạo và đỗ xanh. Người dân làng Gàu khéo léo đặt chúng giữa những thếp lá chuối xanh nõn của quê hương. Điều đó dường như khiến hương vị món bánh thêm quê kiểng, thơm nồng mùi hương và đặc trưng phong cách ẩm thực phố Hiến.
Chiếc bánh giầy trắng dẻo, thơm ngon trong thếp lá chuối xanh ấy được người dân xa gần nghe danh, tìm mua cho mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết, ngày lễ hay dịp ăn hỏi, đám cưới nơi thôn quê hay hội nghị, bữa tiệc nơi thành phố sang trọng. Và đặc biệt, bánh giầy làng Gàu còn là một món quà dân dã thành kính dâng vua Tổ mỗi dịp mùng 10-3.. 

Bánh dày làng Gàu được khách xa gần đến đặt mua với số lượng hàng tạ phục vụ cho các cửa hàng ăn uống ở thủ đô, hội nghị, tiệc cưới, đã tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động. Tết đến xuân về, bánh dày được đặt trang trọng trên ban thờ nghi ngút khói hương cũng là một nét đẹp văn hoá của Hưng Yên.

Theo Tuổi trẻ


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết