BÁNH TẺ PHỤNG CÔNG
Xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) xưa nay được nhân dân xa gần nhắc đến với nghề trồng và ươm cây cảnh truyền thống. Nhưng người ta còn biết đến vùng quê này nhờ món bánh tẻ Phụng Công - thứ đặc sản mà ai một lần thưởng thức đều phải tấm tắc khen.
Xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) xưa nay được nhân dân xa gần nhắc đến với nghề trồng và ươm cây cảnh truyền thống. Nhưng người ta còn biết đến vùng quê này nhờ món bánh tẻ Phụng Công - thứ đặc sản mà ai một lần thưởng thức đều phải tấm tắc khen.
Cách Hà Nội không xa, chừng 15km đi theo đường đê sông Hồng, qua làng gốm Bát Tràng chúng tôi tìm về thôn Bến, xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) - nơi được mệnh danh là cái nôi của lệ gói bánh tẻ và nay phát triển thành làng nghề.
Bánh tẻ Phụng Công được làm từ bột gạo tẻ, nhân mặn và gói bằng lá rong hoặc lá chuối xanh -
Ngay từ đầu làng đã thấy nhiều xưởng sản xuất bánh tẻ nhộn nhịp người ra vào mua đặt bánh. Khắp xóm làng Phụng Công thơm lừng mùi lá chuối quê xen lẫn hương bột gạo tẻ. Những chiếc bánh xanh nõn chưa luộc và khi đã chín thì ngả sang màu xanh úa bày khắp các gian hàng.
Phải nói bánh tẻ là đặc sản chung của miền Bắc chứ không riêng gì miền quê nào. Ngoài bánh tẻ Phụng Công người ta còn biết đến bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội), bánh tẻ làng Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cũng như món bánh truyền thống của xứ Thanh với tên quen thuộc bánh răng bừa…
Mỗi nơi một nét riêng trong cách chế biến, do vậy hương vị và hình dáng cũng đôi phần khác biệt.
Người dân đất phố Hiến vốn quen gọi bánh tẻ bằng cái tên dân dã là bánh răng bừa vì hình dáng chiếc bánh giống từng lưỡi của chiếc bừa ruộng nơi đồng quê. Món bánh tẻ cũng trở nên gắn bó với người dân miền quê nhờ cái tên giản dị đó. Đặc biệt, bánh răng bừa còn có tên gọi khác là bánh lá để chỉ loại nguyên liệu gói gém lại bằng lá xanh (lá chuối hoặc lá rong).
Bánh tẻ Phụng Công được làm bằng gạo tẻ xay với nước vôi trong. Gạo tẻ ngon theo đó được cấy trồng ngay trên mảnh đất miền quê Văn Giang. Nhân bánh mặn gồm mộc nhĩ, nấm hương, hành khô và thịt lợn băm nhỏ trộn với gia vị rồi xào chín. Bột chưng lên cho chín đều, đến lúc dẻo quánh thì bỏ ra đánh nhuyễn sao cho thật quánh và dai. Pha và đánh bột có ngon và vừa vặn hay không sẽ quyết định hương vị miếng bánh. Và đó cũng là bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh của mỗi gia đình.
Theo các bậc cao niên trong làng, việc gói bánh cũng ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Phải khéo léo, kỳ công sao cho bánh được đều nhau, nhân bánh không lộ ra khỏi vỏ bột. Bánh gói xong phải đạt “tiêu chuẩn” hai đầu nhỏ ở giữa phình ra giống với chiếc răng bừa. Người dân Phụng Công thường dùng dây lạt tre để buộc bánh, đôi khi thay thế bằng dây chuối khô hoặc dây đay…
Miếng bánh tẻ có vị thanh mát, nhẹ nhàng và thường được ăn kèm với tương ớt
Cũng làm bằng bột gạo nhưng bánh tẻ (đặc biệt là bánh tẻ Phụng Công) rất dễ ăn, có vị nhẹ mát, không ngấy, phù hợp với thời tiết các mùa trong năm.
Thông thường, vào mùa đông người làng Phụng Công vẫn thường ủ bánh kỹ và ăn lúc còn khói nghi ngút. Còn trong tiết trời hè nóng nực, người ta sẽ ăn bánh lúc còn ấm hoặc nguội để cảm nhận hương vị nhẹ nhàng, thanh mát của những chiếc bánh miền quê đất phố Hiến.
Xưa kia, bánh tẻ là món sính lễ, quà quý trong các dịp cưới hỏi, lễ tết của người dân Hưng Yên. Nhưng nay, món bánh này trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày và bày bán ở khắp mọi nơi.
Theo TTO
MỜI CÁC THẦY CÔ XEM CLIP VỀ LÀM BÁNH TẺ VÀ BÁNH CUỐN MỄ SỞ TẠI ĐÂY
http://hungyentv.vn/16/352/Dat-va-nguoi-que-nhan/Dac-san-banh-cuon-banh-rang-bua-o-van-Giang.htm