Bến phà Mễ Sở ngày ấy
Bến phà Mễ Sở ngày ấy Bên bờ sông Hồng lộng gió, sóng vỗ rì rào ngân vang câu chuyện bi hùng một thời ở bến phà Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bến phà Mễ Sở hiên ngang neo đậu, chống chọi cùng mưa bom bão đạn để vận chuyển những chuyến xe xuyên suốt dặm dài, đầy ắp lương thực, vũ khí, thuốc men... vào chiến trường miền Nam.
Một chiều tháng 4, chúng tôi tìm về thăm bến phà Mễ Sở. Thật tình cờ mong muốn tìm hiểu về bến phà Mễ Sở lại được giải đáp một phần bằng câu chuyện qua đường với bà lão bán hàng nước bên bến phà Mễ Sở.
Theo dòng hồi tưởng, bà Nguyễn Thị Quyết kể lại những mảnh ký ức còn đọng lại trong tâm trí của người phụ nữ đã ngót 90 tuổi. Nhà bà ở gần phà Mễ Sở. Từ xa xưa, bến phà Mễ Sở đã nức tiếng một vùng là nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền. Trong kháng chiến chống Mỹ, dù giặc Mỹ điên cuồng bắn phá, thả bom nhưng phà Mễ Sở vẫn nối liền 2 bờ sông Hồng, nườm nượp đưa, đón những chuyến xe vận tải hàng hóa, lương thực, vũ khí... Có những ngày ô tô vận tải quân sự cài lá ngụy trang, đậu thành hàng dài dưới những rặng cây xanh ở Mễ Sở, Hoàng Trạch... để chờ ban đêm qua phà. Có những khi cấp thiết, phà vượt sông giữa ban ngày. Nhà dân trở thành kho cất giấu hàng hóa cho bộ đội vận chuyển xuống phà. Ngày đó, nhà tôi trở thành nơi cán bộ, bộ đội trú ẩn để theo dõi, nắm tình hình để đưa xe qua phà...
Câu chuyện dở dang với bà lão bán hàng nước đã thôi thúc chúng tôi lật giở từng trang lịch sử để tìm hiểu về bến phà Mễ Sở trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo những tư liệu trong cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Mễ Sở (1930 - 2005), khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cầu Long Biên (thành phố Hà Nội) trở thành trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ. Các bến phà dọc sông Hồng, trong đó có bến phà Mễ Sở trở thành tuyến đường huyết mạch để vận chuyển hàng hóa. Khi đó, bến phà Mễ Sở trở thành kho bãi của quân đội, tập kết hàng nghìn tấn vũ khí, trang bị để đưa vào tiếp tế cho miền Nam. Mỗi ngày đêm có hàng trăm xe vận tải quân sự vượt sông Hồng trên bến phà này chuyển hàng hóa an toàn, nhanh chóng sang Quốc lộ 1 đi vào chiến trường miền Nam.
Do vậy, nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Để bảo đảm giao thông thông suốt, công tác phòng không nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở Mễ Sở phát triển mạnh mẽ. Các làng đều tổ chức phòng không chu đáo, đào hầm tránh bom, chòi canh gác, đánh kẻng báo động khi máy bay giặc đến. Để tăng cường tốc độ vượt sông và phục vụ những xe quân sự lớn và dài chở tên lửa, ra đa bí mật qua sông, cấp trên đã cho bắc một chiếc cầu phao ngay trên bến phà Mễ Sở. Chiều ngày 5.2.1966, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từ Thường Tín, Hà Đông qua cầu phao sông Hồng sang Mễ Sở. Bác Hồ đã ân cần thăm hỏi, nói chuyện, khen ngợi, động viên bộ đội công binh và dân quân trực chiến trên đầu cầu phao, bến phà Mễ Sở. Những lời động viên ân cần của Người đã trở thành động lực để quân và dân Mễ Sở và các lực lượng khác kiên cường bám trụ, bảo đảm giao thông thông suốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngày 20.6.1966, máy bay Mỹ bắn quả rốc két đầu tiên xuống Mễ Sở. Sau đó, liên tiếp ném nhiều loại bom xuống bến phà, cầu phao, trận địa pháo cao xạ của đơn vị công binh, công nhân giao thông, bộ đội phòng không và dân quân xã. Bến phà Mễ Sở bị chúng ném bom dữ dội nhất. Để cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch này, không lực Hoa Kỳ đã ném xuống bến phà đủ các loại bom từ trường, bom bi, thủy lôi... Có ngày từ bến phà Mễ Sở đến Khuyến Lương, giặc Mỹ ném 300 tấn bom. Bộ đội, dân quân đã dũng cảm đánh trả máy bay địch, bảo vệ giao thông thông suốt, hàng hóa an toàn. Sau 4 lần tổ chức phục kích bắn máy bay địch, liên tục rút kinh nghiệm, bổ sung phương án tác chiến, chiều ngày 17.11.1967, tổ dân quân trực chiến của của 3 xã: Mễ Sở, Bình Minh, Đông Tảo đã đón đúng đường bay khi tốp máy bay Mỹ bổ nhào cắt bom xuống bến phà Mễ Sở. Cả 6 khẩu súng 12,7mm đồng loạt nhả đạn. Chiếc máy bay của Mỹ trúng đạn bốc cháy đỏ rực. Tên giặc lái nhảy dù bị dân quân bắt sống. Sau chiến công này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về tận trận địa biểu dương và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho dân quân 3 xã.
Phát huy khí thế chiến thắng, nhân dân xã Mễ Sở tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, làm thêm nhiều hầm hào, phòng tránh bom Mỹ. Các thôn đều có tổ dân quân trực chiến, tổ cứu thương, tổ cứu hỏa, cứu sập hầm... Dân quân, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ xã phối hợp chặt chẽ, ủng hộ đơn vị công binh, bộ đội pháo cao xạ bảo vệ bến phà. Cứ như thế, ban ngày, các phương tiện sử dụng trên bến phà được dịch chuyển vào nơi bí mật, ban đêm, lại ra làm nhiệm vụ cho xe và hàng qua sông. Đêm ở đây, các đội hình chiến đấu đều thức trắng. Thức canh chừng máy bay Mỹ tới, thức để hướng dẫn các mật hiệu cho xe thông phà.
Ngoài bảo đảm giao thông thông suốt, Mễ Sở còn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giữ bí mật, ngụy trang kín đáo, xây dựng và bảo vệ kho hàng, bãi hàng cho quân đội, thương nghiệp. Vào thời điểm cao nhất, xã Mễ Sở đã huy động hàng trăm lao động/ngày, đêm để bốc hàng xuống bến hoặc chuyển vật tư, hàng hóa, nhiên liệu lên xe ra tiền tuyến. Rải rác trong xã, trong nhà dân có gần 300 địa điểm kho cất giữ hàng. Lực lượng an ninh, công an, dân quân xã đã tuyên truyền, giáo dục người dân bảo vệ tốt gần 300 điểm kho cất giữ hàng trên địa bàn toàn xã.
Cùng với đó, nhân dân Mễ Sở hăng hái tham gia lao động sản xuất, hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1985, Mễ Sở được tặng danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đất nước ca khúc khải hoàn, bến phà Mễ Sở lại lặng lẽ, cần mẫn kết nối giao thương, đi lại giữa đôi bờ sông Hồng tạo điều kiện để người dân Mễ Sở năng động, sáng tạo, ra sức thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với những thành tích xuất sắc, năm 2000, xã Mễ Sở đã được tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Giờ đây, sóng sông Hồng vỗ rì rào bên phà Mễ Sở ca vang khúc hát về một miền quê năng động, trù phù.
Thu Yến
( Nguồn: Báo HƯNG YÊN điện tử)