Friday, 22/11/2024 - 07:16|
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO VĂN GIANG, HƯNG YÊN. EMAIL: PGDVANGIANG.HUNGYEN@MOET.EDU.VN. ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN 0914895488
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRUYỀN THỐNG VĂN HIẾN VÀ CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN VĂN GIANG (Phần I)

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng, tạo nên nhân cách, con người Việt Nam với các giá trị đạo đức vô cùng phong phú. Mang trong mình dòng máu của người Việt Nam, những thế hệ người dân Văn Giang đã hội tụ đầy đủ các giá trị đạo đức truyền thống: yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, anh dũng trong cải tạo thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; ham học hỏi và giàu lòng nhân nghĩa, thủy chung, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài và trọng thuần phong mỹ tục...

Cùng với thời gian, các giá trị đạo đức này được lưu truyền qua các thế hệ, trở thành truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh và động lực của dân tộc. Hòa cùng với dòng chảy lịch sử dân tộc, vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng Văn Giang đã chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo của vùng văn hóa sông Hồng, đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc.

1. Truyền thống nhân nghĩa, thủy chung

Giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc này được sinh dưỡng trong chính đau thương, mất mát qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và cuộc sống lam lũ hằng ngày từ nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước của người dân Văn Giang. Lòng nhân ái của dân tộc ta nói chung, Văn Giang nói riêng được bắt nguồn từ một chữ “tình” - trong gia đình, đó là tấm lòng biết ơn, thờ phụng tổ tiên, sự hiếu thảo đối với đấng sinh thành, tình anh em máu chảy ruột mềm, tình nghĩa vợ chồng tao khang, tình yêu đôi lứa sắt son, chung thủy - đỉnh cao là câu chuyện “Chử Đồng Tử - Tiên Dung”; rộng hơn là tình làng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau qua cơn hoạn nạn; bao trùm hơn cả là tình yêu thương đồng loại, đồng bào, đã được dân gian thần thánh hóa bằng truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ với hình ảnh “bọc trăm trứng” để lý giải cùng chung nguồn cội con cháu Rồng Tiên. Lòng yêu thương và sống có nghĩa tình còn được biểu hiện trong sự tương trợ, giúp đỡ nhau; sự khoan dung, vị tha dành cho cả những người đã từng lầm đường, lạc lối biết lấy công chuộc tội.

Trong lịch sử, vùng đất Văn Giang đã từng phải oằn mình trải qua nhiều cơn giận dỗi điên cuồng, vô cớ và khắc nghiệt từ thiên nhiên. Dòng sông Hồng cho vùng đất Văn Giang nói riêng, cả một khu vực rộng lớn ở tả ngạn sông Hồng nói chung nước ngọt, phù sa, bờ xôi ruộng mật nhưng cũng đem đến biết bao đau thương, tang tóc. Mùa mưa lũ về, sông Hồng trở nên vô cùng hung dữ. Nước sông dâng cao phá vỡ các con đê, tràn vào làng xóm, cuốn trôi nhà cửa, gây nên ngập lụt, dân tình đói khổ. Từ năm 1806-1898, với 92 năm thì có tới 39 năm đê vỡ, 10 năm hạn hán, 15 năm sâu dịch, riêng ở Hưng Yên, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, đê Cửa Yên vỡ trong 6 năm liên tục. Từ năm 1905-1945, đê sông Hồng vỡ 10 lần, trong đó trận lụt lớn xảy ra vào năm 1915, một nửa lượng nước sông Hồng đổ vào 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, khiến cho ruộng đồng, làng mạc bị tàn phá nặng nề. Năm 1923, vụ lúa chiêm ở Bắc Kỳ bị hạn hán tiêu khô quá nửa, đến khi sắp được thu hoạch lại gặp mưa lụt. Tháng 9 và tháng 10 năm 1937 (Đinh Sửu), nạn lụt đã nhấn chìm 38.000 mẫu ruộng, làm cho hàng trăm ngàn người trở nên đói rách, vô gia cư... Dân gian còn lưu truyền câu ca:

Hưng Yên mà sống chẳng yên

Vì chưng mười tám năm liền vỡ đê

Chính những tác động bất lợi, bất ngờ đó của thiên nhiên đã buộc người dân phải sống đoàn kết, gắn bó, có nghĩa có tình với nhau hơn.

Một dấu ấn đậm nét không bao giờ có thể phai mờ trong tâm trí người Văn Giang là nạn đói năm Ất Dậu (1945), chỉ tính trên địa bàn huyện Văn Giang cũng đã có tới 983 người chết đói (nhiều nhất là thôn Hòa Bình Hạ, xã Tân Tiến, có tới 112 người) do thiên tai và do đế quốc, phong kiến, phát xít Nhật cùm kẹp, bóc lột. Giữa lúc đói khổ cùng cực ấy, người Văn Giang vẫn nhường cơm sẻ áo cho nhau, dành sự quan tâm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau; cảm động hơn, có người dù đói khổ, ốm yếu nhưng vẫn bỏ công sức thu gom, chôn cất người chết vô thừa nhận để vong linh người quá cố bớt tủi hờn.

Trong những ngày cả nước gồng mình đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng khi vừa giành được chính quyền (1945), thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”, nhân dân Văn Giang đã tự nguyện nhịn bữa, bớt ăn, san sẻ thóc, gạo, ngô, khoai trợ giúp đồng bào cứu đói.

Tình người của mảnh đất nơi đây còn được thể hiện rất sâu đậm trong lửa đạn chiến tranh của hai cuộc kháng chiến: Ngoài việc bảo đảm lương thực, Văn Giang đã cùng toàn tỉnh Hưng Yên đã tiếp tế 300 tấn gạo cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn và một số thóc cho Trung Bộ năm 1946; đồng thời cũng đã chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Hòa bình lập lại, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân càng được củng cố. Một trong những nét đẹp tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân của người Văn Giang là hiệu quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010-2019, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn của huyện Văn Giang đã huy động đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp là trên 330 tỷ đồng cùng với hàng ngàn ngày công lao động và hiến đất làm đường. Văn Giang đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018. Chính sách an sinh xã hội được huyện quan tâm chăm lo: Các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” “Bảo trợ trẻ em"... hoạt động có hiệu quả; nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Những chậu hoa dạ yến thảo được khách hàng ưa chuộng đặt mua với số lượng lớn. Ảnh: N.T.

2. Truyền thống cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động, sản xuất

Cần cù, siêng năng là một trong những giá trị đạo đức nổi bật, là phẩm chất đáng quý của người Văn Giang. Phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động của người Văn Giang luôn gắn với sự dành dụm, tiết kiệm và trở thành đức tính cần có như một lẽ tự nhiên.

Nhân dân Văn Giang cần cù lao động, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước ra sức khai hoang, chặt phá lau sậy đắp nền dựng nhà, lập làng mới. Dấu tích còn lưu lại rõ nét đến ngày nay chính là các tên đất, tên làng gắn liền với cuộc mưu sinh chinh phục thiên nhiên của người Văn Giang, tiêu biểu, như: làng Hoàng Trạch, Phú Trạch ở xã Mễ Sở, Quán Trạch ở xã Liên Nghĩa... (chữ Hán, “trạch” là đầm nước); thôn Phù Bãi, Phù Thượng, Phù Đình ở xã Thắng Lợi (chữ Hán, “phù” là nổi)... Bao nhiêu năm là bấy nhiêu cuộc vật lộn với phong ba bão táp, chống chọi với thiên nhiên để người dân Văn Giang có thể tồn tại và phát triển, tích lũy hiểu biết, kinh nghiệm ứng phó, sống chung với thiên tai, lũ lụt, nhất là đắp đê, trị thủy.

Người Văn Giang đời trước truyền cho đời sau những kinh nghiệm quan sát thời tiết, trồng lúa nước, chọn giống làm đất trồng và chế biến dược liệu, trồng dâu nuôi tằm, đánh bắt cá và lấy trứng cá sông Hồng về gột, nuôi thả trong ao làng để cuộc sống thêm no đủ, “thóc đầy cót, khoai đầy bố”.

Ngoài trồng trọt là nghề chính, tại mảnh đất này, nhiều nghề đã ra đời, là minh chứng cho đức tính cần cù, sáng tạo của người Văn Giang, như: nghề đan thuyền ở Xuân Quan, nhuộm vải thâm ở Xuân Cầu, vải nâu ở Phú Thị, nghề dệt vải Rồng ở Như Lân, vải Gầu ở Cửu Cao. Những loại đặc sản nổi tiếng ở miền đất này cũng ra đời từ đôi bàn tay khéo léo, hay lam hay làm và óc sáng tạo của người dân Văn Giang, tiêu biểu như: bánh cuốn Mễ Sở, bánh khúc Phú Thị, bánh giầy Mễ Sở, bánh giầy Gầu, bánh tẻ (bánh răng bừa) Phụng Công, bánh mỡ Xuân Cầu...

Từ xa xưa, người Văn Giang đã sớm coi trọng thương nghiệp, phát huy lợi thế của vùng đất phù sa trên bến, dưới thuyền. Cư dân Văn Giang với bản tính năng động, thức thời, không chỉ buôn thúng, bán mẹt ở chợ quê thôn dã mà còn mở cửa hàng, cửa hiệu, khẳng định được chỗ đứng của mình trong thương trường. Hoạt động thương mại buôn bán của Văn Giang phát triển khá mạnh mẽ. Ngoài truyền thuyết “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” được coi như ông Tổ nghề buôn, Văn Giang còn xuất hiện nhiều làng buôn bán, bến chợ bên bờ sông như chợ Mễ Sở, chợ Trâu ở Đa Ngưu (Tân Tiến), chợ Nhiễm (chợ Huyện), trong đó, nức tiếng là làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) và làng Đồng Tỉnh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ).

Làng Đa Ngưu ở bên bờ sông Kim Ngưu (sông Trâu), có chợ Trâu nổi tiếng, được biết đến với nghề bào chế và buôn bán các vị thuốc đông y. Từ Đa Ngưu, dân làng đã đi khắp mọi miền đất nước để bào chế, buôn bán thuốc Bắc, thuốc Nam và chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt vào các thế kỷ XVIII, XIX và đầu thế kỷ XX, Đa Ngưu đã trở thành làng chuyên buôn thuốc Bắc, cung cấp 9/10 lượng thuốc Bắc cho các hiệu thuốc Bắc ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh phía Bắc Trung Bộ.

Làng Đồng Tỉnh từ xa xưa đã có nghề trồng và buôn bán thuốc lào và cau. Công việc kinh doanh phát triển tới mức người Đồng Tỉnh có cơ sở buôn bán thuốc lào và trầu cau ở các tỉnh/thành: Nghệ An, Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), Thái Nguyên.

Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống lao động cần cù, vượt khó vươn lên của người dân Văn Giang càng được phát huy. Năm 1945, chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Giang đã phát động phong trào tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Không để một tấc đất bỏ hoang” “Tấc đất, tấc vàng"... Bằng sức người và tình yêu đối với lao động, nhân dân Văn Giang đã biến những vùng đất hoang thành ruộng đồng tốt tươi, những bờ ngòi, gò đống, bãi sông thành vạt sắn, ruộng ngô...; diện tích và sản lượng lương thực, thực phẩm tăng khá nhanh, đóng góp một phần không nhỏ vào thành quả chung của tỉnh, của đất nước trong những ngày đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Văn Giang không chỉ là điểm sáng của phong trào bổ túc văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, mà còn rất điển hình về phong trào làm thủy lợi. Trong 10 lần Bác Hồ về thăm Hưng Yên, có tới 8 lần Bác đến thăm các công trình thủy lợi. Hệ thống đại thủy nông Bắc - Hưng Hải được khởi công vào năm 1956 là công trình tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên của con người Hưng Yên nói chung, người Văn Giang nói riêng. Trong Bài nói chuyện với nhân dân Hưng Yên, ngày 5-1-1958, Bác đã nhiều lần biểu dương Văn Giang.

Bến phà Mễ Sở ngày ấy - Báo Hưng Yên điện tử
Bác Hồ nói chuyện với bộ đội ở phà Mễ Sở

Bước vào công cuộc đổi mới, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời trên đất Văn Giang được chuyển đổi, phát triển theo hướng mới, như: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (thêu ren, mây, tre đan, đồ gỗ, đồ gốm, chưng cất tinh dầu...), nguyên vật liệu xây dựng (nung gạch..), trồng hoa, cây cảnh, cây công trình (quất cảnh, cam đường canh, bưởi diễn, bưởi cảnh...). Tiêu biểu là xã Mễ Sở, một điển hình của tinh thần năng động, quyết tâm làm giàu trên chính quê hương dựa trên việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của xã Mễ Sở đã thu hút hàng nghìn đoàn đại biểu các địa phương trong và ngoài tỉnh về tham quan, học tập kinh nghiệm. Không chỉ là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Mễ Sở còn là xã đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Toàn huyện có 2 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là xã Mễ Sở, Trường mầm non xã Tân Tiến, Nguyễn Quý Khang và Dương Trọng Bái.

Bức tranh phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh sau 20 năm tái lập của huyện Văn Giang (1999-2019) càng khẳng định tinh thần cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên vẫn tiếp tục được người Văn Giang phát huy cao độ trong thời kỳ mới. Những ngày đầu tái lập (1999), Văn Giang đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng bằng sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng trong điều kiện thực tế của huyện, Văn Giang hôm nay đang từng bước khẳng định được tầm vóc trên bước đường hội nhập. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng được huyện quan tâm quy hoạch và đầu tư. Tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn huyện diễn ra nhanh, ngoài Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Ecopark, huyện đang tiếp nhận nhiều dự án lớn, như: Khu đô thị sinh thái Dream City, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị sinh thái Xuân Cầu... Toàn huyện có 82 làng, khu phố giữ vững và được công nhận danh hiệu làng, khu phố văn hóa; 32 trường học đạt chuẩn quốc gia; 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên trên địa bàn huyện ổn định dưới 1%. Công tác an ninh - quốc phòng được giữ vững. 100% số xã trên địa bàn huyện được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tăng cường thực hiện.

(Theo Văn Giang vùng phù sa văn hóa - Phạm Minh Hoàng, Hoàng Thanh Mai)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết