Monday, 25/11/2024 - 02:16|
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO VĂN GIANG, HƯNG YÊN. EMAIL: PGDVANGIANG.HUNGYEN@MOET.EDU.VN. ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN 0914895488
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRUYỀN THỐNG VĂN HIẾN VÀ CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN VĂN GIANG (Phần II)

3. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài, trọng thuần phong mỹ tục

Vùng đất địa linh nhân kiệt Văn Giang là điểm sáng của truyền thống hiếu học, cử nghiệp và thi thư. Văn Giang thời nào cũng có nhân tài, nơi đâu cũng có người thành danh khoa bảng; có những gia đình, cha con, ông cháu đều văn võ kiêm toàn, trở thành danh nhân văn hóa của đất nước; có nhiều làng, xã có truyền thống khoa cử lâu đời, có nhiều dòng họ đỗ đạt cao, tiêu biểu như: làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ), làng Lại Ốc (xã Long Hưng), dòng họ Dương, dòng họ Tô (làng Xuân Cầu), dòng họ Đỗ, dòng họ Phạm (làng Lại Ốc), dòng họ Đào (Thọ Vực), dòng họ Chu (làng Phú Thị)...

Suốt chặng đường khoa cử Nho học 845 năm (1075-1919), các sĩ tử Văn Giang đã giành nhiều vị trí xứng đáng về số lượng và học vị. Xứ Kinh Bắc đỗ đại khoa (Trạng nguyên, Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhãn) có gần 700 người; tỉnh Hưng Yên có 228 người (được ghi danh ở bia Văn Miếu, thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên), thì huyện Văn Giang đóng góp con số không nhỏ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, huyện Văn Giang có tới 82 người thi đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống (Cử nhân) trong các cuộc thi do triều đình phong kiến tổ chức. Điều này là minh chứng rõ nét cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Văn Giang.

Ở Văn Giang, có gia đình bố, con, anh em đều đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ. Có dòng họ liên tục có nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng thi thư. Tiêu biểu như: Tiến sĩ Đỗ Nhân, người xã Lại Ốc, làm quan chức Đô ngự sử, Đông Các đại học sĩ; con trai là Đỗ Tông, đỗ Trạng nguyên. Tiến sĩ Nguyễn Thư Khiêm, người xã Xuân Cầu, có 6 người con, 1 người đỗ Tiến sĩ, 5 người đỗ Hương cống. Cử nhân Đào Chính, người xã Thọ Vực, làm quan tới chức Tể tướng, con trưởng là Đào Giai, con thứ là Đào Hiến nổi tiếp nhau đỗ Giải nguyên, cháu là Đào Bá Đoan đỗ Giải nguyên. Hương cống Ngô Quang Diệu, người xã An Lạc, con là Ngô Quang Huy đỗ Giải nguyên, khóa tiếp theo con nữa là Ngô Quang Chước đỗ Giải nguyên. Cử nhân Chu Duy Tĩnh, người thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, làm quan tới chức Ngự sử, Nam Kỳ đạo; con là Chu Mạnh Trinh đỗ Tiến sĩ. Cử nhân Dương Duy Thanh, con là Dương Bá Trạc đỗ Cử nhân, Dương Quảng Hàm là Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học sử...

Bia tiến sĩ được UNESCO công nhận là?

Liên tiếp 6 khóa thi từ khoa Canh Dần (1710) đến khoa Kỷ Hợi (1779), xã Huê Cầu (Hoa Cầu, Sơn Cầu) có đồng Tiến sĩ Nguyễn Hành, đồng Tiến sĩ Quản Danh Dương, đồng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dực, đồng Tiến sĩ Nguyễn Gia Cát. Các khoa thi năm sau có đồng Tiến sĩ Tô Trân, Cử nhân Tô Huân, Cử nhân Tô Ngọc Huyền, Cử nhân Tô Ngọc Nữu...

Đội ngũ các nhà cử nghiệp Văn Giang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, như: Đỗ Nhân (1466-1518), người Lại Ốc, làm đến quan Thượng thư bộ Hộ kiêm Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ; Phan Văn Ái, người làng Đồng Tỉnh, làm quan đến Án sát tỉnh Sơn Tây; Nguyễn Tính, người làng Xuân Cầu (nay là Tam Kỳ - Nghĩa Trụ), làm quan đến chức Lễ bộ Hữu Thị lang, tước Nghĩa Quận công; Chu Mạnh Trinh (1862-1905), người Phú Thị, làm quan đến Án sát, nổi tiếng tài hoa, lãng mạn, đa tình, vừa giỏi thi thư, vừa là một nhà thơ, nhà kiến trúc nổi tiếng một thời...

Truyền thống hiếu học, trọng nhân tài không chỉ biểu hiện ở hầu như xã nào cũng có người học giỏi, đỗ cao, làm quan giữ trọng trách trong triều, nhiều vị được cử đi sứ ra nước ngoài; mà còn thấm đẫm trong từng sinh hoạt cộng đồng, thuần phong mỹ tục của vùng đất Văn Giang. Làng Đa Ngưu là làng chuyên buôn thuốc Bắc. Tuy nhiên, niềm tự hào về sự giàu có cũng không bằng trình độ học hành cao thể hiện ở ngay cổng làng. Cổng được xây 2 tầng, 3 cửa, có 4 chữ đại tự“Đa văn vi phú” (lấy sự giàu văn hóa, văn học là giàu có). Cổng vào xóm Hà, làng Phú Thị khắc ba chữ Hán “Văn nhã hạng” (ngõ xóm văn chương tao nhã). Làng Đan Nhiễm (thị trấn Văn Giang) có nhiều Tiến sĩ, hàng năm, vào dịp Tết Trung thu, nhân dân làm hình tiến sĩ giấy cho trẻ em chơi nhằm giáo dục tinh thần hiếu học cho thế hệ sau.

Cũng như nhiều vùng khác, với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn", người Văn Giang tôn sùng các vị thần, các anh hùng dân tộc, thờ cúng tổ tiên. Dù trải qua bao thăng trầm dâu bể, nhưng đến nay, hầu hết lăng mộ, đền thờ, hệ thống chùa chiền, nhà thờ, văn từ, văn chỉ đều được các làng xã Văn Giang lưu giữ, trùng tu và gìn giữ, phát huy. Toàn huyện đã có tới 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đây chính là niềm tự hào, cũng là hình thức giáo dục truyền thống đặc biệt ý nghĩa mà người Văn Giang trân trọng, gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau. Đó là lăng mộ và đền thờ Chử Ông, Chử Bà tại thôn Chử Xá, quê hương Chử Đồng Tử, một trong “tứ bất tử" của nhân dân ta. Theo khói hương phụng thờ nghìn đời, những giá trị cốt lõi được đề cao, ca ngợi và trao truyền chính là quá trình lao động, khai hoang lấn biển, dựng làng mở cõi, đạo đức hiếu thảo, hiểu sinh, tình yêu nam nữ không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo. Đó là đền thờ Hai Bà Trưng ở làng Ngò và làng Đầu, xã Phụng Công - nơi cứ vào ngày mùng Tám, Chín, Mười tháng Tư âm lịch hằng năm, dù ở đâu, con em người Phụng Công ở xa gần đều về lễ hội làng để tưởng nhớ công lao Hai Bà Trưng, vị Thành hoàng làng cùng bao thế hệ cha anh đã vì nước quên thân...

Hằng năm, mỗi khi công việc nhà nông rảnh rỗi thì dân làng ở khắp các địa phương trong huyện Văn Giang đều tập trung sinh hoạt văn hóa bổ ích tại đình làng. Mùa xuân, mùa của đậm đặc các lễ hội tưởng nhớ các vị thần, thánh, thành hoàng làng, tri ân những người có công, cùng với việc tổ chức nghiêm cẩn các khóa tế, lễ, dân làng còn hào hứng, sôi nổi tổ chức hát ca trù, trống quân và chèo cổ, đánh vật, đánh đu, chơi cờ người, đánh gậy. Mùa hè, hội làng có thêm các hình thức sinh hoạt cộng đồng đầy hứng thú như hội thi chim bồ câu, thả diều. Mùa thu, người dân lại đắm mình trong không gian giao lưu tình tứ, nồng nàn từ canh hát trống quân. Những hình thức sinh hoạt văn hóa ấy được đông đảo mọi người ưa thích, làm tăng thêm nét đẹp truyền thống của con người và mảnh đất Văn Giang. Trong những ngày lễ hội, nhiều nơi tổ chức rước thần thánh, tế lễ, người dân ăn mặc đẹp, chuẩn bị những mâm cỗ với nhiều món ăn ngon, đặc sản địa phương, như: bánh giầy Gầu, bánh cuốn Mễ Sở, bánh khúc Phú Thị, bánh răng bừa (bánh tẻ) Phụng Công, Công Luận... để dâng cúng thần thánh.

Dù trong quá khứ hay hiện tại, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Văn Giang. Hầu hết các làng xã ở Văn Giang đều có chùa: chùa Bến, chùa Đầu, chùa Ngò (Phụng Công), chùa Công Luận, chùa Cửu Cao, chùa Như Lân, chùa Long Hưng, chùa Đan Nhiễm, chùa Nhạn Tháp, chùa Đa Ngưu, chùa Phú Thị, chùa Mễ Sở... Đặc biệt, tại chùa Mễ Sở có pho tượng nghìn mắt, nghìn tay. Đây là pho tượng được các nhà nghiên cứu xếp loại về giá trị nghệ thuật có niên đại cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2018).

Tam quan chùa Mễ Sở

Có thể khẳng định, là vùng đất giao thoa, chịu ảnh hưởng của những tinh hoa văn hóa của Kinh kỳ Thăng Long, Kinh Bắc..., nên Văn Giang sớm hình thành những thuần phong mỹ tục, được lưu giữ và phát huy tới tận ngày nay. Đó là các nghề cổ truyền, các món ăn đặc sắc được sáng tạo, chế biến từ những sản vật phong phú cùng bàn tay yêu lao động và giàu sáng tạo của những người Văn Giang. Đó là những công trình đền thờ, miếu mạo, chùa chiền cùng hàng trăm lễ hội dân gian để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của những người dân thảo thơm, một lòng lễ Phật hướng thiện song rất mực sùng bái, đời đời khói hương thờ phụng, tri ân những vị thánh, thần, Thành hoàng đã anh dũng, kiên cường, sẵn sàng xả thân vì đất nước, quê hương. Đó còn là những di sản tinh thần đặc sắc - kho tàng văn học dân gian, văn học thành văn, nghệ thuật truyền thống - được đắp bồi qua thăng trầm, biến thiên lịch sử, kết tinh từ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, yêu lao động, sản xuất và những bài học kinh nghiệm trong ứng xử với tự nhiên, với xã hội của lớp lớp thế hệ người Văn Giang.

Người dân Văn Giang dù làm ruộng, làm nghề thủ công hay buôn bán, từ xưa cho đến nay, vẫn sống cùng nhau trong một cộng đồng, làng xóm. Cuộc sống hôm nay dù đã rất nhiều đổi khác, từ cơ cấu ngành nghề, đến điều kiện sống, phương tiện giao thông..., song mái đình, giếng nước, gốc đa vẫn mãi là một biểu tượng gắn bó dân làng với nhau hết sức keo sơn, tràn đầy tình nghĩa. Đình làng không chỉ là nơi thờ Thành hoàng của làng, là nơi tế tự, hội họp; mà còn là nơi mở hội làng, là điểm hẹn để những con em Văn Giang dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng biết nhớ ngày hội làng quay về lễ thánh, tế thần, cùng nhau củng cổ sâu sắc sợi dây đoàn kết cội nguồn.

Truyền thống hiếu học của ông cha trong lịch sử luôn luôn được người Văn Giang giữ gìn và phát huy. Bước sang thế kỷ XX, XXI đội ngũ nhân tài của Văn Giang ngày càng thêm đông đảo và có nhiều đóng góp cho đất nước trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa nghệ thuật.

Trong lĩnh vực chính trị, quân sự có Phó Đức Chính, Tô Chấn - lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930; Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Tô Hiệu - Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; Lê Giản - nhà tình báo từng được Cơ quan tình báo Anh SOE đào tạo, Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Sâm - chiến sĩ công binh, bàn tay vàng gỡ bom ở quân khu IV, túi bom của đế quốc Mỹ; Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Tài, con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan - một điệp báo viên xuất sắc ở nội đô Sài Gòn - Gia Định; Đại tướng Tô Lâm - Tiến sĩ Luật học, Giáo sư ngành khoa học an ninh, Bộ trưởng Bộ Công an...

Trong lĩnh vực văn hóa, khoa học có Y Tông Tạ Pháp Chính; nhà sư phạm, soạn giả Dương Quảng Hàm; nhà văn, dịch giả Dương Tụ Quán; danh họa Dương Bích Liên; danh họa Tô Ngọc Vân; nhà văn Nguyễn Công Hoan; Anh hùng Lao động Nguyễn Quý Khang; Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái...

Đó chính là điểm tựa cho lòng tự hào và chiến lược con người của huyện Văn Giang nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung trong tương lai.

(Theo Văn Giang vùng phù sa văn hóa - Phạm Minh Hoàng, Hoàng Thanh Mai)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết