Saturday, 27/04/2024 - 16:40|
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO VĂN GIANG, HƯNG YÊN. EMAIL: PGDVANGIANG.HUNGYEN@MOET.EDU.VN. ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN 0914895488
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRUYỀN THỐNG VĂN HIẾN VÀ CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN VĂN GIANG (Phần III)

4. Truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự cường dân tộc

Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ những tình cảm đơn sơ, bình dị trong gia đình, làng xã và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc. Với vị trí địa lý là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhiều quốc gia. Trong tiến trình phát triển của dân tộc, nhân dân ta đã phải trải qua thời gian dài chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lịch sử thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương kiên trung, bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập và tự cường dân tộc đã trở thành “dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam”, là nền tảng tinh thần to lớn, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” và là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, xứng đáng với lời ngợi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Như đã nói, với lợi thế địa chính trị của một vùng đất tiếp giáp thủ đô Hà Nội, được thừa hưởng tinh hoa của nền văn minh sông Hồng, giá trị tiêu biểu, cốt lõi nhất trong số những truyền thống tốt đẹp của vùng quê văn hiển, cách mạng Văn Giang chính là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự cường dân tộc.

Để có được cuộc sống bình yên và lao động sản xuất, xây dựng quê hương, phát triển văn hóa, người Văn Giang đã phải nhiều lần cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn cương thổ quốc gia, dân tộc.

Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai

a. Tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Tháng 3 năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát, đánh quân Tô Định. Trên đường hành binh tiến đánh thành Luy Lâu (Bắc Ninh), thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ ngày ấy, có qua vùng đất Văn Giang. Tại địa bàn xã Phụng Công ngày nay, hào trưởng Trần Cảnh đã cùng nhân dân trại Ngô (nay là làng Ngò) đốt đuốc trong đêm đón rước quân sĩ, đào giếng lấy nước trong đêm phục vụ việc luyện binh, mở tiệc khao quân. Trai tráng trong làng đua nhau theo Hai Bà ra trận. Cảm kích trước công lao và tấm lòng trung nghĩa của người dân, Hai Bà Trưng đã đặt tên “Phụng Công” (có công phụng sự sự nghiệp của Hai Bà) cho vùng đất này. Những cái tên đồng Chầu, giếng Dạ, dốc Yến cũng có từ ngày ấy. Để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng và tộc trưởng Trần Cảnh, nhân dân đã lập đền thờ tại Đình Đấu và đền Ngò. Cụm di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật từ năm 1998. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhân vật, địa danh khác trên đất Văn Giang gắn liền với tên tuổi và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, như: Đường Dựng, quán Trên, giếng Ngọc ở xã Tân Tiến, gò Ông Lủi ở xã Long Hưng... không những được các triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong, mà sống mãi trong lòng nhân dân qua các truyền thuyết, truyện cổ còn lưu truyền đến ngày nay.

Từ sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong suốt thời kỳ nhân dân ta chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, giành quyền tự chủ và bước đầu xây dựng, bảo vệ quốc gia Đại Việt, sử sách không nói rõ về những sự kiện, con người cụ thể ở Văn Giang. Tuy nhiên, Văn Giang là nơi có vị trí, địa bàn gần Cổ Loa, vùng đất phên dậu của Kinh kỳ, cộng với mức độ mạnh mẽ, quy mô rộng lớn của các cuộc chiến đấu giành và giữ gìn nền độc lập thời kỳ này, cho phép chúng ta khẳng định rằng nhân dân Văn Giang đã tham gia và có nhiều đóng góp vào phong trào chung của dân tộc.

b. Tham gia khởi nghĩa của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch

Đầu năm 545, triều đình nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân xâm lược nước ta. Lý Nam Đế dẫn ba vạn quân ra chống giặc ở Chu Diên (Hải Dương). Cuộc kháng chiến của Lý Nam Đế bị thất bại. Triệu Quang Phục cầm đầu một cánh quân lui về lập căn cứ ở Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên) chờ thời cơ chống giặc. Dạ Trạch là vùng đồng lầy rất rộng, cây cỏ um tùm, ở giữa có bãi nổi có thể ở được. Đường đi vào bãi rất kín đáo, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên đám cỏ nước mới tới được. Triệu Quang Phục đóng quân ở bãi đất nổi ấy, lợi dụng hệ thống đầm lầy, lau sậy rậm rạp, suốt từ Văn Giang tới Khoái Châu, tập kích vào doanh trại địch. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng, như không có người, đến đêm, nghĩa quân mới kéo thuyền ra đánh úp trại quân Lương. Nhờ biết xây dựng căn cứ và chuyển sang lối đánh nhỏ, đánh lẻ, nghĩa quân ta dần dần khôi phục lực lượng, gây cho địch một số thiệt hại, lấy được nhiều lương thực và giữ được lâu dài cuộc chiến đấu, chém được tướng giặc, giành lại độc lập. Nhân dân đã tôn Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương, lập đền thờ tại nhiều đình, đền thuộc xã Vĩnh Khúc. Tướng lĩnh của ông cũng được tôn thờ tại nhiều đình, đền như đình Sở Đông (xã Long Hưng), đình Đan Kim (xã Liên Nghĩa)...

c. Tham gia chống quân Nguyên Mông 3 lần xâm lược Đại Việt

Vào thế kỷ XIII, sau khi thống nhất Trung Hoa, lập nên nhà Nguyên, đế quốc Mông Cổ kéo vó ngựa thôn tính nhiều nước châu Á, châu Âu, rồi tiến xuống phương nam định chinh phục nước ta. Trái với dự tính của chúng, 3 lần kéo quân sang xâm lược Đại Việt là 3 lần quân Nguyên Mông bị vua tôi nhà Trần đánh bại tơi bời.

Lần thứ nhất, tháng 1 năm 1258, vua Trần Thái Tông chỉ huy trận Đông Bộ Đầu, đánh cho quân giặc thua chạy tan tác.

Lần thứ hai, tháng 2 năm 1285, thái tử Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt, tập hợp 500.000 quân xâm phạm bờ cõi Đại Việt. Tướng quân Trần Trọng Bình đã chặn giặc trên bãi Thiên Mạc (Khoái Châu). Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo bày trận đánh bại Lưu Thế Anh tại ngã ba Tuần Vường (đoạn nối sông Hồng với sông Luộc), tướng giặc Toa Đô bị chém chết tại cửa Hàm Tử (Khoái Châu), đại quân tiến về giải phóng kinh thành Thăng Long.

Lần thứ ba, vào năm 1287, nhà Nguyên tiếp tục mở cuộc xâm lược Đại Việt nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người. Quân địch trúng kế “vườn không nhà trống” của ta, cộng thêm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tới Vân Đồn đã bị thủy quân Đại Việt do Phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chỉ huy đánh cho tan nát. Trước tình thế bất lợi, quân Nguyên Mông định tổ chức rút về Trung Quốc theo nhiều hướng khác nhau, cả đường biển, đường thủy và đường bộ. Trong cuộc tháo chạy ấy, kẻ thù đã gặp một phòng tuyến ngăn chặn dày đặc được quân ta lập nên từ Thiên Mạc, Hàm Tử, Đông Kết, Tây Kết... và cuối cùng, thảm bại trên sông Bạch Đằng. Một đạo quân lớn trên 6 vạn người, giàu kinh nghiệm viễn chinh xâm lược, những tên tướng quý tộc, cao cấp thân cận của vua Nguyên là Hốt Tất Liệt, sừng sỏ và độc ác như Ô Mã Nhi, Phạm Nhan, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, Lưu Khuê... sau mấy lần giày xéo đất nước ta, đã phải đền tội.

Điểm dễ nhận thấy trong cả ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần, những trận quyết chiến chiến lược Hàm Tử, Chương Dương, Đông Kết đều ở trên hoặc ở dưới địa bàn huyện Văn Giang, chứng tỏ cả khúc sông này đều là trận tuyến mai phục của quân dân nhà Trần và đều đã diễn ra những cuộc“Sát Thát” oanh liệt, hào hùng.

Nghị luận: Làm rõ truyền thống yêu nước của nhân dân ta qua các tác phẩm  văn học - Theki.vn

Đặc biệt, trong trận Bạch Đằng, cùng tham gia chuẩn bị và chiến đấu với quân đội chủ lực còn có nhiều đội dân binh và sự đóng góp hết sức to lớn của nhân dân địa phương. Sử sách không ghi chép bao nhiêu, nhưng tên tuổi của nhiều anh hùng địa phương và sự tích cứu nước của quần chúng vẫn còn được nhân dân khắp nơi đời đời ghi nhớ, lưu truyền cùng với một số di tích như đền miếu, bia tượng, tên đất...

Trong những năm tháng oanh liệt, hào hùng ấy, Văn Giang vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương. Giặc tràn đến thì xóm làng “thanh dã” vắng teo, nhưng khi quân ta xuất hiện thì nhân dân các xã Mễ Sở, Sầm Khố nô nức mang gạo thịt ra tiếp tế. Đến nay, trong dân gian vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về đánh giặc Nguyên, một trong những huyền thoại là chuyện khi thủy quân hai bên giao chiến trên sông Hồng, giặc thua bỏ chạy toán loạn, quân ta đuổi theo giết đến mức có thuyền xô đứt cả thừng chão buộc mái chèo. Được tin, ngay lập tức, dân làng Phú Thị (vốn có nghề nhuộm vải) mang nhiều tấm vải ra bện thành chão buộc vào cọc chèo cho thủy quân của ta tiếp tục truy kích thuyền giặc. Sau ngày thắng trận, khi bình công, vua nhà Trần đã ban thưởng và đặt tên cho một số tên đất, tên làng. Hai chữ “Mễ Sở” (Sở Gạo, kho gạo, kho lương thực) ra đời từ ngày ấy.

d. Tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy

Vào cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm vào các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, nhân dân Văn Giang đã hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892) - cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp có quy mô lớn nhất trong Phong trào Cần Vương ở đồng bằng Bắc Bộ".

Ngày 28-3-1883, quân Pháp đánh chiếm thành Hưng Yên. Căm thù giặc, Đinh Gia Quế, người thôn Thọ Bình thuộc xã Tân Dân, Khoái Châu tự xưng là Đổng Nguyên Nhung, dựng cờ “Bình Tây phạt tội”, chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ chống thực dân Pháp ở Bãi Sậy. Lực lượng nhân dân theo Đổng Quế tăng lên nhanh chóng. Công sứ Hưng Yên là Miribel đã thú nhận: “Tất cả những người nông dân ở vùng Bãi Sậy đều theo Đinh Gia Quê chống người Pháp”. Nghĩa quân đã đánh bại các cuộc tấn công lớn của Thiếu tướng Donier và ám sát Hoàng Cao Khải.

Sau khi Đổng Quế qua đời vào giữa năm 1885, Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, người xã Xuân Dục, Mỹ Hào tiếp tục lãnh đạo phong trào. Nhân dân Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh nô nức gia nhập nghĩa quân, xây dựng nhiều làng xóm thành pháo đài, cung cấp quân lương, cứu chữa thương binh. Nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận lẫy lừng do Đốc Tít, Lưu Kỳ, Hai Kế, Lãnh Giang, Đội Văn, Đốc Cọp, Đốc Sung chỉ huy ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông - Sơn Tây (thuộc Hà Nội ngày nay), Bắc Giang, Quảng Yên,...

Tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thể có nhiều khó khăn, ông trao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế rồi sang Trung Quốc mưu tính cuộc vận động mới. Song tình thể thay đổi, việc không thành, ông đành ở lại nhà của tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc. Ông mất ngày 26-5-1926, tại Quảng Tây, Trung Quốc.

Từ tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Kế cùng các tướng lĩnh vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính, nhưng hoạt động quân sự chủ yếu ở các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Lang Tài (nam Bắc Ninh), Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang (bắc Hải Dương), Ân Thi, Mỹ Hào (Hưng Yên).

Đầu năm 1892, nhiều tướng lĩnh như Đốc Cọp, Đề Tính, Đốc Sung, Lãnh Điển hy sinh, lực lượng và vũ khí của nghĩa quân ngày càng hao hụt, có những trận nghĩa quân phải rút lui.

Ngày 12-4-1892, quân Pháp đưa đại bác từ Bắc Ninh đến bắn phá, nghĩa quân của Nguyễn Thiện Kế gặp nhiều khó khăn. Nguyễn Thiện Kế phải cải trang trốn tránh sự truy lùng của thực dân Pháp. Năm 1914, Pháp bắt được ông, đày ông ra Côn Đảo. Nguyễn Thiện Kế ngoài 80 tuổi, thực dân Pháp cho ông về an trí tại quê nhà và tìm cách mua chuộc nhưng bất thành. Ông mất ngày 22 tháng 9 năm Đinh Sửu (25-10-1937) tại làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào. Tuy nhiên, 7 viên tướng của Tán Thuật là Đề đốc Sung, Đề đốc Bân, Đề đốc Tính, Đề đốc Cọp, Lãnh binh Điều, Đề đốc Mỹ, Tuần Vân vẫn lãnh đạo nghĩa quân chia thành các nhóm nhỏ đánh du kích. Trong đó Đề đốc Mỹ - người làng Xuân Cầu đã lãnh đạo nghĩa quân chia ra thành các toán nhỏ khoảng 20-25 người cùng nhân dân Văn Giang kháng chiến, diệt được nhiều quân Pháp.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 9 năm (1883-1892) song khởi nghĩa Bãi Sậy đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Hưng Yên, tô đậm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Nhiều năm sau, thực dân Pháp và bè lũ tay sai vẫn còn phải lao đao vì một số xã trong huyện Văn Giang vẫn có nghĩa quân lẻ tẻ nổi dậy.

e. Tham gia các phong trào cứu nước theo nhiều khuynh hướng trước khi gặp ánh sáng cách mạng vô sản

Ngoài con đường Cần Vương, đã có nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước Văn Giang muốn tìm con đường cứu nước khác. Trong số này, tiêu biểu có Dương Bá Trạc, Phó Đức Chính, Tô Chẩn...

Nối nghiệp nhà gia lễ, thi thư của dòng họ Dương (làng Phú Thị, xã Mễ Sở), 16 tuổi, Dương Bá Trạc đã đỗ cử nhân (1900) và rồi ông sớm dẫn thân vào sự nghiệp canh tân đất nước. Ông cùng Phan Chu Trinh đi thăm Đề Thám năm 1904, cùng Tăng Bạt Hổ đi khắp các tỉnh ngoài Bắc trong Nam, tuyên truyền, kêu gọi đồng bào thức tỉnh và liên kết với các anh tài, hào kiệt mưu việc lớn. Cuối năm 1906, ông tham gia sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, phụ trách việc diễn thuyết, bình văn, biên soạn sách lịch sử, địa lý theo cách phổ thông, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền bá. Ngoài ra, ông còn sốt sắng tham gia việc quyên góp cho thanh niên đi xuất dương. Bị thực dân Pháp theo dõi, bắt thân người thân, ông vẫn không lung lạc tinh thần. Bản thân ông bị kết tội làm loạn chống chính phủ, bị 15 năm tù, đày ra Côn Đảo. Khi được ra tù, đáng tiếc và đau xót là đến lúc đó, bầu nhiệt huyết của Dương Bá Trạc vẫn không gặp ánh sáng của mặt trận Việt Minh, cuối cùng mất ở nơi đất khách quê người.

Những năm 20 của thế kỷ XX, trên vũ đài chính trị Việt Nam đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đó là sự ra đời liên tiếp ba tổ chức chính trị: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), Tân Việt Cách mạng Đảng (1927), Việt Nam Quốc dân Đảng (1927). Việt Nam Quốc dân Đảng đại diện cho khuynh hướng cách mạng tư sản, thành phần giai cấp chủ yếu là những tiểu tư sản trí thức yêu nước, thu hút nhiều thanh niên quê ở Văn Giang, sống trên khắp miền đất nước tham gia, tiêu biểu là Phó Đức Chính, Tô Chấn.

Là thành viên sáng lập của Việt Nam Quốc dân Đảng, Phó Đức Chính là một trí thức giàu lòng yêu nước, dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Ông sinh năm 1907, quê ở làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngay khi đang học tập tại trường Cao đẳng Công chính, ông đã sớm tham gia Nam Đồng thư xã. Dù làm việc cho chính quyền Pháp tại Lào nhưng ông rất tích cực hoạt động yêu nước, xây dựng cơ sở cho Việt Nam Quốc dân Đảng. Qua một lần bị giặc Pháp bắt điều về nước, bị cách chức, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Với mục tiêu “không thành công cũng thành nhân”, Phó Đức Chính cùng các cộng sự gấp rút tổ chức khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2 năm 1930) để tránh sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân. Kế hoạch bại lộ, khởi nghĩa không thành công, các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng bị truy lùng ráo riết và lần lượt bị bắt. Ngày 16-6-1930, ông và các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng bị giải lên Yên Bái xử chém. Khi lên đầu đài, ông còn hiên ngang nằm ngửa nhìn lưỡi đao chém xuống và hô to: “Việt Nam vạn tuế".

Tô Chấn sinh năm 1904 tại làng Xuân Cầu. Năm 1927, ông tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học đứng đầu và trở thành đảng viên cốt cán, kiên cường, được cử làm Đảng trưởng Kỳ bộ Nam Kỳ. Tháng 10 năm 1930, khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp bắt và xử tử hình. Tô Chấn được đề cử thay Nguyễn Thái Học và tiến hành mưu sát Toàn quyền Đông Dương - kẻ đang đẩy mạnh việc đàn áp phong trào yêu nước chống Pháp. Việc chưa thành thì Tô Chân bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, kết án tử hình, sau đó giảm án xuống chung thân, đầy đi Côn Đảo. Từ năm 1930 đến năm 1936, trong nhà tù Côn Đảo, được giác ngộ cách mạng, Tô Chấn đã trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Từ đây, đồng chí Tô Chấn đã xác định rõ ràng con đường giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam mà trước đây đồng chí cũng như bao thanh niên yêu nước khác chưa có định hướng, đó là con đường cách mạng vô sản, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin.

f. Tham gia các phong trào cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo

Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng cộng sản tại Việt Nam ngày càng chín muồi.

Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Tháng 2 năm 1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản.

Từ khi có ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Văn Giang là một địa bàn  sớm được gieo mầm cách mạng. Nhân dân Văn Giang đã từng được rèn luyện, thử thách trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, chống ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân Pháp, từ đó đã hun đúc lên chủ nghĩa yêu nước chân chính và ý chí đấu tranh bất khuất vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa Mác - Lênin truyền vào địa bàn Văn Giang và lớp người đầu tiên tiếp nhận học thuyết cách mạng đó là những thanh niên yêu nước Nguyễn Hữu Căn, Lê Văn Lương, Tô Hiệu, Trần Khắc Hân, Lê Giản... Đây là những người tiêu biểu cho một thế hệ những người cộng sản xuất thân từ quê hương Văn Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Những chiến sĩ yêu nước cộng sản đầu tiên đó vừa phát huy vai trò tích cực của mình đối với phong trào cách mạng của nhân dân Văn Giang, vừa góp phần xây dựng và phát triển các tổ chức cộng sản ở nhiều địa phương khác.

Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Văn Giang phát triển liên tục trong tiến trình thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Điều đó được thể hiện ngay từ thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và sử dụng sức mạnh của các lực lượng đó trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, khi thời cơ xuất hiện. Văn Giang là một trong những huyện giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhanh nhất so với những địa phương ở Bắc Ninh và Hưng Yên, không có đổ máu.

Ngày 17-8-1945, Ban cán sự Việt Minh huyện Văn Giang tổ chức cuộc mít tinh lớn ở chùa Như Lân chào mừng Ủy ban cách mạng lâm thời huyện được thành lập, tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chính quyền đế quốc phong kiến ở huyện Văn Giang. Từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Văn Giang, truyền thống yêu nước tốt đẹp càng được phát huy lên tầm cao mới.

THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA NHÀ CÁCH MẠNG - LIỆT SỸ TÔ  HIỆU (1912 - 1944)
Quần thể nhà thờ họ Tô và nhà tưởng niệm Nhà cách mạng Tô Hiệu

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), quân dân Văn Giang phát huy sức mạnh tổng hợp của truyền thống yêu nước cách mạng, đoàn kết, anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương. Gần 10 năm, làng xóm bị giặc chiếm đóng, lập tề, đóng bốt, nhưng du kích Văn Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự che chở của nhân dân đã chiến đấu và chiến thắng nhiều trận oanh liệt. Du kích Văn Giang đã phối hợp với bộ đội chủ lực trong chiến dịch “Tiếng sấm đường 5", đánh chặn nhiều đoàn công - voa, giật mìn đồ nhiều đoàn tàu hỏa quân sự trên đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, phục kích bắn tàu chiến địch trên sông Hồng; là cơ sở cho các dũng sĩ phá trường bay Gia Lâm đêm 8-3-1954, đốt cháy hàng chục máy bay địch, thiêu hủy hàng vạn lít xăng, phối hợp ăn ý với chiến dịch Điện Biên Phủ, giành chiến thắng quan trọng kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Văn Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự che chở của nhân dân, đã chiến đấu và chiến thắng nhiều trận oanh liệt. Du kích Văn Giang đã phối hợp với bộ đội chủ lực trong chiến dịch “Tiếng sấm đường 5" đánh chặn nhiều đoàn công-voa, giật mìn đổ nhiều đoàn tàu hỏa quân sự trên đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, phục kích bắn tàu chiến địch trên sông Hồng. Bên cạnh đó, du kích Văn Giang còn thường xuyên tổ chức trừ gian, diệt tề khiến địch mất ăn mất ngủ. Lực lượng vũ trang Văn Giang cũng tổ chức nhiều trận đánh trên địa bàn khiến quân Pháp và tay sai kinh hoàng, như: trận Lê Tôn Hy, trận Phù Liệt, trận chống càn ở Kim Ngưu, trận C10 (Văn Giang phối hợp với du kích Long Hưng diệt gọn tiểu đoàn quân viễn chinh Pháp tại các thôn thuộc xã Long Hưng)... Văn Giang cũng là cơ sở cho các dũng sĩ phá trường bay Gia Lâm đêm ngày 8-3-1954, đốt cháy hàng chục máy bay địch, thiêu hủy hàng vạn lít xăng, phối hợp ăn ý với chiến dịch Điện Biên Phủ, giành chiến thắng quan trọng, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Văn Giang đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Toàn huyện đã có 5.000 thanh niên đi khắp các chiến trường của đất nước, 6.000 thanh niên viết đơn tình nguyện, trong đó có nhiều người chích tay lấy máu để viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ, gần một vạn người tham gia lực lượng chiến đấu, chiếm 1/6 dân số trong huyện.

Bến phà Mễ Sở cũng là một trọng điểm, một “túi bom” trên tuyến đường giao thông chiến lược mới. Tuyến đường nhánh này nối đường 5 với đường 1A. Nhưng tại đây, bất chấp máy bay phản lực Mỹ đánh phá ác liệt, ném xuống đủ loại bom phá, bom bi, bom từ trường và cả thủy lôi, bộ đội ta vẫn có phà, đặc biệt bắc được cầu phao cho xe chở tên lửa qua sông, cho các phương tiện vận tải ngày đêm liên tục chở người, vũ khí, lương thực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Chiều ngày 5-2-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi qua cầu phao bắc ngang sông Hồng, tới thăm và nói chuyện động viên bộ đội công binh Đơn vị E 239 và dân quân, du kích, đại diện nhân dân địa phương Mễ Sở.

Cũng tại địa điểm này, ngày 17-11-1967, dân quân 3 xã: Mễ Sở, Bình Minh, Đông Tảo đã phục kích bắn cháy một máy bay A-4D của Mỹ, bắt sống tên giặc lái khi dù hắn vừa chạm đất.

Ngày 19-5-1967, trạm tên lửa đóng quân tại Long Hưng bắn hạ tới 10 chiếc máy bay Mỹ. Trong 12 ngày đêm trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", ngoài việc làm tốt công tác hậu phương, nhân dân Văn Giang còn hy sinh của cải, tính mạng để hỗ trợ bộ đội tên lửa thực hiện trận địa giả để làm lạc hướng bắn phá của máy bay địch...

Những đóng góp của quân dân Văn Giang trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đã góp phần cùng toàn tỉnh đạt được những thành tích đáng tự hào: Giai đoạn 1968-1996, tỉnh Hải Hưng (Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và 2 lần thưởng Cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau 20 năm tái lập, tỉnh Hưng Yên đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Góp phần vào những thành tích xuất sắc đó, huyện Văn Giang có sự hy sinh anh dũng của 1.909 liệt sĩ (501 liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp; 1.314 liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 94 liệt sĩ thời kỳ chiến tranh biên giới và thực hiện nghĩa vụ quốc tế), hàng nghìn thương binh, bệnh binh, người bị địch bắt. Từ 1994-2015, toàn huyện có 179 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Huyện Văn Giang và 6 xã; 4 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập huyện, Văn Giang vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn tặng thưởng hàng vạn huân, huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là trang sử vàng chói lọi, là niềm tự hào của mảnh đất và con người Văn Giang với chủ nghĩa yêu nước sâu sắc.

*

Nhìn lại tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có sức trỗi dậy của mảnh đất và con người Văn Giang, chúng ta thêm tự hào về truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương yêu dấu. Theo các yêu cầu lịch sử và thời đại, dù là một đơn vị thuộc Bắc Ninh, Kinh Bắc, hay trở thành một huyện cửa ngõ phía tây bắc của tỉnh Hưng Yên (từ năm 1947 đến nay), các thế hệ Văn Giang đều gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lịch sử mãi ghi nhận những công lao, đóng góp của người Văn Giang trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tự hào về truyền thống văn hóa, khoa bảng, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, người Văn Giang sẽ không ngừng phát huy để biến những giá trị tinh thần đó thành sức mạnh, động lực và quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.

Nhân dân Văn Giang cùng nhân dân tỉnh Hưng Yên và nhân dân cả nước đang ngày càng tiến những bước dài hơn, quan trọng, chắc chắn hơn vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Bối cảnh đó sẽ có tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Mỗi người Văn Giang, nhất là thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và của quê hương Văn Giang văn hiến, cách mạng, anh hùng; từ đó tự trau dồi bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp, hào hùng của cha ông; đóng góp tài năng và trí lực để cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh.

(Văn Giang vùng phù sa văn hóa - Phạm Minh Hoàng, Hoàng Thị Thanh Mai)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết